Điều cần hơn cả là sự yêu thương, nâng niu, trân trọng những hơi ấm nhỏ nhoi trước khi chúng lịm dần và tan đi.
Mẹ kể rằng: Ông ngoại mất khi mình chưa sinh, ông nội mất khi mình chập chững biết đi, biết gọi. Cấp ba, mình trọ học dưới trường chuyên của tỉnh, xa nhà 40km, bà nội mất năm mình học lớp 12 và vướng thi tốt nghiệp cũng không về kịp. Đến bây giờ, mình chỉ còn mỗi bà ngoại.
Bà ngoại năm nay đã ngoài 90 rồi, cứ ngày một tiều tụy, yếu dần đi. Trước, bà ở với cậu út, sau khi bên nhà cậu và nhà bác mua đất và chuyển ra ngoài gần mặt đường kinh doanh, buôn bán, bận rộn mà người già thì cần một không gian yên tĩnh, thoải mái và quan trọng là cần có người chăm sóc bà gần như 24/24. Con nào thì cũng là con, cần chi phân biệt gái - trai, miễn sao mẹ ở đâu thấy thoải mái và hợp nhất thì mẹ ở. Vậy là bà về ở với nhà mình. Nhìn mẹ, rồi cả bố chăm bà, mới cảm nhận được nhiều điều về cuộc sống, nhất là đối với người già.
Mình từng viết một tạp văn về người già, "những chiếc lá mong manh, chơi vơi giữa khoảng trống vắng của cành và mặt đất, thân lá, gân lá đã úa vàng, hằn lên dấu vết, cuống lá bấu víu, bám hờ với cành cây, chỉ một cơn gió mạnh vô tình tạt ngang qua là chao nghiêng, xoay vòng, chìm trong không gian hắt hiu của ngày và ngủ yên cùng đất nâu lạnh lẽo"... Và mỗi cuối tuần về thăm nhà, càng nhìn bà càng cảm nhận hơn những mong manh đời người.
Không gian của bà chủ yếu là trên chiếc giường trong phòng ngay tầng một. Trước bà vẫn còn đi lại được và lần nào mình về bà cũng khoe tập thể dục mỗi sáng, nằm trên giường giơ tay, giơ chân lên xuống, đếm đến cả trăm lượt. Cứ đến cuối tuần là bà lại hỏi: "Thằng Khoa về chưa?" rồi nếu hôm đó hờn dỗi điều gì là lại chờ mình vào dỗ dành bà mới nghe và cũng chỉ tin tưởng, an tâm cho mình dùng bấm móng tay cắt móng tay cho bà chứ không để mẹ hay ai cắt.
Thi thoảng, bà vẫn hay kể về ngày xưa... Bà là gái Hà Nội chính gốc, tóc dài, ưa nhìn, vậy mà lại chấp nhận theo ông ngoại về quê, sống cuộc sống lam lũ. Đó là cả một sự đấu tranh không hề đơn giản. Và cuối cùng tình yêu thương bà dành cho ông đã vượt lên tất cả. Bà vừa kể, vừa nhìn ra cửa sổ, mông lung cùng từng góc ký ức đã xa...
Giờ thì mắt bà gần như mờ hẳn, không nhìn thấy nữa rồi. Bà cũng không tự đi lại được, không còn khoe mỗi sáng thể dục tay chân đến cả trăm lần với mình nữa. Không gian của bà giờ chỉ vỏn vẹn trên chiếc giường nhỏ. Bà hay nhầm lẫn hơn, ngay cả việc đi vệ sinh cũng không tự làm chủ được nên bố mẹ cũng vất vả hơn mỗi lần như thế.
Mỗi lần mình về thăm nhà, cảm giác bình yên nhất là nhìn mẹ xúc cơm cho bà ăn hoặc mình xúc thay. Dù phải ngồi rất lâu, xúc cho bà từng thìa cơm xong lại ngồi đợi để xúc thìa tiếp theo nhưng đó là khoảng thời gian thấy lòng bình yên thật sự. Và lòng lại nặng những nghĩ suy về đời người. Bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu hận thù, yêu thương, cả khi vinh quang lẫn khi cay đắng, rốt cục rồi cũng như gió như mây trôi ngang và trôi qua, để lại vạt nắng xế chiều yếu ớt cố hắt lên chút ấm nóng vào đời.
Và khi ấy, điều cần hơn cả là sự yêu thương, nâng niu, trân trọng - trân trọng những hơi ấm nhỏ nhoi ấy trước khi chúng lịm dần và tan đi.
Vì trong đời mỗi người chỉ có một lần để sống.
Vì trong đời mỗi người chỉ có một gia đình để yêu thương.
Vì sự tồn tại của cha mẹ mình là duy nhất - mất đi không bao giờ có lại.
Vì ai rồi cũng phải đi đến tuổi già mong manh và chữ tình mỗi người mỗi vẻ. Nghe Dạ Khúc mà thấy thấm lòng những nỗi nhớ ngóng trông và cả sự khắc khoải chờ đợi trong hy vọng mong manh.